Hệ thống phòng cháy chữa cháy gồm những thiết bị gì?


Tư vấn

Thiết kế xây dựng luôn kèm theo những hạng mục trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy. Cũng như nhiều hệ thống khác, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng gồm nhiều thiết bị khác nhau. Vậy hệ thống phòng cháy chữa cháy gồm những thiết bị phòng cháy chữa cháy gì?

Vấn đề phòng cháy chữa cháy luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi những thiệt hại mà chúng xảy đến khi các vụ hỏa hoạn xảy ra. Đặc biệt là các vụ hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng, nó không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng con người. Do vậy mà khi thiết kế xây dựng luôn kèm theo những hạng mục trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy. Cũng như nhiều hệ thống khác, hệ thống phòng cháy chữa cháy gồm nhiều thiết bị khác nhau, về cơ bản, có thể chia thành 2 phần như sau:

1. Hệ thống báo cháy

Hệ thống báo cháy có vai trò quan trọng trong công tác PCCC vì nó giúp phát hiện kịp thời đám cháy đang bùng phát, đồng thời cảnh báo cho cư dân trong tòa nhà và lực lượng cứu hỏa. Hệ thống báo cháy tự động thường có ba thành phần như sau:

P1. Trung tâm hệ thống báo cháy tự động:
– Được thiết kế dạng tủ, bao gồm các thiết bị chính: một mainboard điều khiển, các module, một biến thế, một battery.
P2. Hệ thống thiết bị đầu vào:
– Đầu báo: báo khói, báo nhiệt, báo gas, báo lửa…
– Công tắc khẩn (nút nhấn khẩn).
P3. Hệ thống thiết bị đầu ra:
– Bảng hiển thị phụ (bàn phím).
– Chuông hệ thống báo động, còi báo động.
– Đèn báo động, đèn exit.
– Bộ quay số điện thoại tự động.

Hệ thống báo cháy được phân loại làm hệ thống báo cháy thông thường (Conventional Fire Alarm System) và hệ thống báo cháy theo địa chỉ (Addressable Fire Alarm system). Trong khi hệ thống báo cháy thông thường chỉ có khả năng báo cháy cho một khu vực rộng, hệ thống báo cháy địa chỉ sẽ truyền dẫn tín hiệu từ từng đầu báo riêng biệt về đến trung tâm điều khiển, để phát hiện điểm gây cháy chính xác, cụ thể. Với tính năng kỹ thuật cao, hệ thống báo cháy địa chỉ dùng để lắp đặt tại các công trình lớn, được chia ra làm từng điểm độc lập.

P1.Hệ báo cháy thông thường (quy ước) – Conventional Fire Alarm System:
Đặc điểm chính:
  • Tủ báo cháy Quy ước có độ lớn từ 1 kênh (zone) đến trên 60 kênh.
  • Các Zone bao gồm một vài hoặc tất cả thiết bị khởi đầu (như: đầu báo, nút nhấn, công tắc…) trong một khu vực hoặc một tầng của tòa nhà.
  • Một số tủ báo cháy cho phép mở rộng dung lượng zone trong khi số khác thì không mở rộng được, điều này làm cho tính hữu dụng bị hạn chế khi một cơ sở muốn mở rộng thêm.
  • Báo cháy, báo sự cố theo từng khu vực (zone) của tòa nhà.
  • Mỗi Zone có thể là 01 phòng hoặc nhiều phòng gần nhau.
  • Mỗi Zone cần một đường dây tín hiệu riêng nên số lượng dây về trung tâm báo cháy nhiều.
  • Không thể biết chính xác thiết bị nào đã kích hoạt báo cháy hoặc bị sự cố trong Zone Với tính năng đơn giản, giá thành rẻ, hệ thống báo cháy quy ước chỉ thích hợp lắp đặt tại các dự án có diện tích vừa hoặc nhỏ, số lượng các phòng không nhiều, nhà xưởng nhỏ… Nhiều thiết bị được lắp trên cùng một khu vực (zone) nên khi xảy ra sự cố trung tâm chỉ có thể nhận biết khái quát và hiển thị khu vực (zone) có sự cố, chứ không cho biết chính xác vị trí từng đầu báo, từng địa điểm có sự cố. Điều này làm hạn chế khả năng xử lý, giám sát của hệ thống. Hệ thống báo cháy loại này có 2 loại sử dụng điện áp khác nhau là 12VDC hoặc 24VDC. Về mặt lý thuyết cả hai loại này đều có tính năng kỹ thuật và công dụng như nhau. Nhưng, so với hệ thống báo cháy 24V thì hệ thống báo cháy 12V không mang tính chuyên nghiệp, loại 12V phải dùng đầu báo 4 dây kết hợp với trung tâm của hệ thống báo trộm với bàn phím lập trình. Trong khi hệ thống 24V là một hệ thống báo cháy chuyên dụng, khả năng truyền tín hiệu đi xa hơn, thường sử dụng đầu báo 2 dây và không bắt buộc phải có bàn phím lập trình. Tuy nhiên, trung tâm báo cháy hệ 12V có giá thành thấp hơn so với trung tâm báo cháy hệ 24V.
P2.Hệ báo cháy địa chỉ – Addressable Fire Alarm System:
Đặc điểm chính:
  • Dung lượng điểm (địa chỉ) của hệ thống địa chỉ được xác định bởi số loop hay còn gọi là mạch tín hiệu (SLC – Signaling Line Circuits) của nó.
  • Mỗi mạch loop cung cấp điện, thông tin liên lạc và giám sát tất cả các thiết bị kết nối với nó.
  • Mỗi mạch loop có thể đáp ứng cho trên 100 thiết bị địa chỉ, tùy thuộc vào nhà sản xuất.
  • Mỗi mạch loop có thể chứa nhiều loại thiết bị địa chỉ. Thiết bị không địa chỉ được kết nối vào mạch loop thông qua các module địa chỉ.
  • Mỗi điểm trên mạch loop có một địa chỉ duy nhất khi lắp đặt.
  • Giám sát được thực hiện từ Tủ điều khiển bằng quy trình thăm dò tới tất cả các thiết bị trong mạch loop.
  • Tình huống báo cháy được hiển thị theo điểm, cho phép nhanh chóng tìm ra đám cháy.
  • Có rất nhiều hệ thống hỗ trợ lập trình vào/ra mềm dẻo để kết nối (điều khiển) các thiết bị đầu vào với các đầu ra. Với tính năng kỹ thuật cao, hệ thống báo cháy địa chỉ dùng để lắp đặt tại các công trình lớn, được chia ra làm từng điểm (địa chỉ) độc lập, riêng biệt với nhau. Từng thiết bị trong hệ thống được giám sát bởi trung tâm báo cháy giúp cho phát hiện sự cố một cách nhanh chóng, rõ ràng và chính xác. Hệ thống cho phép điều khiển các thiết bị ngoại vi và các hệ thống khác trong tòa nhà khi có cháy.

2. Hệ thống chữa cháy

Một đám cháy xảy ra dựa trên ba yếu tố cần là:

  • Ôxi
  • Nguồn nhiệt
  • Chất cháy

Và ba điều kiện đủ là:

  • Ôxi phải lớn hơn 14%
  • Nguồn nhiệt phải đạt tới giới hạn bắt cháy của chất cháy
  • Thời gian tiếp xúc của 3 yếu tố đủ để xuất hiện sự cháy

Như vậy, để phòng ngừa và dập tắt được đám cháy thì chúng ta cần loại bỏ một trong những yếu tố tạo thành sự cháy trên. Trên cơ sở đó, bốn phương pháp chính để dập tắt đám cháy được xây dựng như sau:

Phương pháp làm lạnh là hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ tắt dần hoặc hạ nhiệt độ của chất cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy của nó. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu để dập đám cháy chất rắn, còn đối với chất lỏng và khí thì ít khi áp dụng vì việc hạ nhiệt độ của vùng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bốc cháy là rất khó để thực hiện.

Phương pháp cách ly các chất phản ứng với vùng cháy là ngăn cách sự tiếp xúc giữa các chất cháy và chất ôxy hoá ở vùng phản ứng cháy. Phương pháp này được áp dụng để dập tắt hầu hết các dạng đám cháy, tuy nhiên cần kết hợp phun nước làm mát để loại trừ sự cháy trở lại.

Phương pháp giảm nồng độ các chất phản ứng là làm cho nồng độ của các chất tham gia phản ứng cháy giảm xuống thấp hơn giới hạn bốc cháy của chúng. Có thể thực hiện phương pháp này bằng cách thay đổi tỷ lệ giữa chất cháy và chất ôxy hoá hoặc giữ nguyên tỷ lệ nhưng đưa thêm vào vùng cháy những loại chất trơ (không tham gia phản ứng cháy), cụ thể là bằng cách phun nước, phun sương hơi nước, khí trơ, bột chữa cháy.

Phương pháp kìm hãm (ức chế) hoá học phản ứng cháy là làm mất khả năng hoạt hoá các tâm hoạt động của phản ứng cháy chuỗi. Các chất được sử dụng để dập cháy theo phương pháp này gồm một số loại bột chữa cháy.

Trên thực tế, công tác PCCC thường sử dụng kết hợp nhiều phương pháp với nhau, một phương pháp sẽ đóng vai trò chủ đạo còn các phương pháp còn lại đóng vai trò bổ trợ. Hiện có 9  loại hệ thống chữa cháy cơ bản nhằm để đáp ứng nhu cầu đa dạng cho những rủi ro cháy khác nhau : điện, xăng dầu, giấy, kim loại, dầu mở nhà bếp… .

  • Hệ thống chữa cháy bán tự động
Hệ thống này thuộc dạng cổ điển, hệ thống chữa cháy này chỉ đơn giản gồm có hộp chữa cháy và cuộn vòi chữa cháy.
  • Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler
Hệ Thống Chữa Cháy Sprinkler là loại hệ thống chữa cháy phổ biến nhất hịện nay. Hệ thống này dập tắt đám cháy bằng cách phun nước trực tiếp vào khu vực đang cháy mà tại đó đầu phun sprinkler bị kích hoạt ở ngưỡng nhiệt độ đã được xác định trước.
  • Hệ thống chữa cháy tự động FM-200 (HFC-227ea)
Hệ thống chữa cháy FM200/HFC227ea được thiết kế để bảo vệ một không gian hẹp (dưới 1500 m3). Nó phun ra một chất khí chữa cháy “sạch” có tên là FM200 hoặc HFC227ea. Chất khí này không những có tác dụng chữa cháy hiệu quả, mà nó còn cân bằng được lượng khí O2 cần thiết để cho con người hô hấp tạm thời trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, với chất khí chữa cháy “sạch” này, sau khi hoàn tất nhiệm vụ chữa cháy, nó không để lại hậu qủa tai hại nào đối với các vật dụng, máy móc nằm trong khu vực vừa được chữa cháy. Hệ thống này ứng dụng thích hợp tại những môi trường trong sạch, nơi có con người làm việc, và có trang bị những loại máy móc hoặc dữ liệu có giá trị cao.
  • Hệ thống chữa cháy tự động CO2
CO2 là một chất khí sạch, không làm rỉ sét, nó dập tắt cháy bằng cách làm loãng hỗn hợp không khí & CO2 tới một tỷ lệ ở dưới mức giới hạn có thể duy trì sự cháy. Hệ thống Chữa cháy CO2 được ứng dụng tại những nơi mà nếu dùng những chất chữa cháy khác có thể làm hư hỏng máy móc, thiết bị. Vì khí phun ra có thể gây ngạt thở cho con người hiện diện trong khu vực, vì vậy, hệ thống luôn luôn dành một thời gian trì hoãn với tín hiệu báo động để cảnh báo trước khi phun khí, để con người kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
  • Hệ thống chữa cháy tự động bọt Foam
Hệ thống chữa cháy bằng bọt (foam), khi được kích hoạt, sẽ phun ra một loại bọt bao phủ lên trên bề mặt xăng dầu, tách chất lỏng dễ cháy ra khỏi không khí và lửa, nhờ đó ngọn lửa bị dập tắt. Do tính chất hữu hiệu của nó, đồng thời do nó giảm thiểu lượng nước cần dùng, hệ thống foam hiện nay được tin dùng rộng rãi. Giảm số lượng chất chữa cháy cần dùng để dập tắt lửa, nghĩa là giảm thiểu sự hư hỏng thiết bị, đồ dùng, giảm ô nhiễm môi trường do nước phun ra, đặc biệt là tại những nơi có chứa chất độc hại. Đối với loại foam giãn nở cao, thì hầu như chẳng hư hại gì cả cho hàng hóa, và chỉ trong một thời gian ngắn, cả nhà kho đều trở lại bình thường.
Hệ thống foam được ứng dụng tại những nơi đặc biệt có rủi ro cao về cháy nổ, được chọn lựa thận trọng, yêu cầu phải trang bị thích hợp chất bọt cô đặc, hệ thống trộn bọt, các thiết bị phun bọt, và sự phối hợp hưu hiệu giữa các bộ phận ấy trong một hệ thống chữa cháy. Bọt cô đặc là một chất đối chọi với xăng dầu. Mặc dù nó có cùng chung tiêu chuẩn, tuy nhiên, mỗi loại bọt – protein và fluoroprotein – có những đặc điểm riêng, ứng dụng thích hợp hoặc kém thích hợp hơn đối với từng hiện trường cụ thể. Hệ thống trộn bọt có thể là loại “balanced pressure” hoặc “inline”. Đầu phun bọt có thể là đầu sprinkler, spray, nozzle, monitor, foam pourer, hoặc high expantion foam generator, tùy theo hệ thống foam được dùng.
  • Hệ thống chữa cháy tự động Stat-X
Stat-X là hóa chất rắn “sạch” không phá hủy tầng ozone, không gây hiệu ứng nhà kính, không dẫn điện, dễ lắp đặt. Bình chữa cháy Stat-X không cần nén áp suất, khối lượng nhẹ, vận chuyển dễ dàng và an toàn. Hệ thống Stat-X chữa cháy rất hiệu quả cho phòng máy chủ, trung tâm dữ liệu (hay còn gọi là phòng Server, Data center)
  • Hệ thống chữa cháy tự động Novec 1230
Hệ thống chữa cháy Novec 1230  được sử dụng để chữa cháy, bảo vệ cho các phòng chứa các thiết bị, đồ vật giá trị cao như phòng máy chủ, trung tâm xử lý dữ liệu (phòng server, data center), phòng biến áp, bảng điện, kho chứa tiền, Novec (1,1,1,2,2,4,5,5,5 – nonafluoro-4-trifluoromethyl-pentan-3-one), công thức hóa học CF3CF2C(O)CF(CF3)2 là một hợp chất của cacbon, flo và oxy. Ở trạng thái thông thường, Novec 1230 tồn tại dưới dạng chất lỏng, không màu, không mùi và không dẫn điện (Novec 1230 còn được gọi là nước khô). Novec 1230 có thể được lưu trữ và vận chuyển dễ dàng mà không cần các thiết bị chứa đắt tiền. Khí được nạp vào bình dạng lỏng, khi phun ra ngoài sẽ hóa hơi.Nói cho chính xác, loại nước đặc biệt này chỉ có dạng lỏng khi được lưu giữ, bảo quản trong bình nén, còn khi được phun ra ngoài để dập lửa thì lập tức biến thành hơi. Với cùng thể tích, một bình nước khô có hiệu năng dập lửa cao hơn nhiều so với bình bọt CO2 hay các loại khí trơ khác. Novec dập tắt đám cháy trên nguyên tắc hạ nhiệt độ đám cháy mà không tác động trực tiếp đến oxy. Điều này cho phép con người có thể thở, quan sát và rời nơi có cháy một cách an toàn
  • Hệ thống chữa cháy tự động Nito
Nito là một chất khí không màu, không mùi vị và chiếm tới 78% trong không khí xung quanh chúng ta. Khí Nito có mật độ khí dập cháy thấp nhất trong các loại khí trơ kể cả khí Argon và loại khí trộn giữa Nito và Argon. Nito có hiệu năng dập lửa cao nhất. Việc dập tắt đám cháy (ngọn lửa) được thực hiện bằng cách giảm nồng độ oxy trong không khí xuống mức dưới 13.9% (mật độ khí chữa cháy để dập tắt lửa). Khí Nito là loại thích hợp nhất cho hệ thống dập lửa bao trùm do nó không tạo ra các sản phẩm phân huỷ do nhiệt và do vậy nó rất an toàn đối với con người. Khí Nito không có khả năng sản sinh ra các loại khí ăn mòn trong quá trình phân huỷ nhiệt, không tác động xấu tới môi trường, không phá hủy tầng ozone. Hệ thống chữa cháy bằng khí Nito được thiết kế theo tiêu chuẩn NFPA-2001.
  • Hệ thống chữa cháy bếp
Hệ thống chữa cháy nhà bếp Range Guard bằng hóa chất ướt dùng để chữa cháy rất hiệu quả cho khu vực bếp khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện… Đám cháy liên quan đến dầu mỡ ở khu vực bếp được phân loại theo NFPA1, mục 3.3.102 là đám cháy lớp K. Khi hệ thống chữa cháy cho bếp bằng hoá chất ướt – Wet Chemical Range Guard được phun xả, hoá chất ướt này sẽ tạo ra 1 lớp chất lỏng giống như xà phòng lên bề mặt những khu vực được phun hoá chất. Lớp chất lỏng này có tác dụng làm mát các thiết bị được phun, đồng thời tạo ra một lớp màn cách ly giữa các thiết bị đang bị cháy với O2, làm cách ly các tác nhân gây ra phản ứng cháy (cụ thể là O2) từ đó dập tắt đám cháy.
Một hệ thống PCCC cần có hệ thống báo cháy và hệ thống chữa cháy. Mỗi một hệ thống lại phù hợp với tính chất khác nhau của đám cháy, cũng như là đặc thù công trình. Người dân cũng như chủ đầu tư công trình nên coi trọng công tác phòng cháy chữa cháy, cũng như nên tham khảo ý kiến chuyên gia để có thể tích hợp hệ thống phù hợp nhất cho công trình của mình.
-Tổng hợp-

Có thể bạn quan tâm

Nhà thông minh Smart Home là gì?

Nhà thông minh (tiếng Anh là “Smart Home”) hoặc hệ thống nhà thông minh là một ngôi nhà/căn hộ được trang bị…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed

Menu
Chat Zalo
0968 004 883